Thái Bình: Sản xuất khoai tây giống bằng nuôi cấy mô tế bào kết hợp phương pháp khí canh

Thái Bình từng là tỉnh có diện tích trồng khoai tây thuộc loại lớn nhất nước, có thời điểm đạt tới 17.000 ha. Tuy nhiên, đến nay diện tích trồng khoai tây của tỉnh giảm còn khoảng 3.000 ha. Nguyên nhân khó mở rộng diện tích chủ yếu là do chi phí giống cao, lại chưa chủ động được nguồn giống tốt, nhất là giống nguyên chủng. Tháo gỡ khó khăn này, Thái Bình đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm tạo ra những giống khoai tây siêu nguyên chủng sạch bệnh, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, được ứng dụng đại trà cho bà con sản xuất.
Khí canh là công nghệ nuôi trồng cây bằng dinh dưỡng mà không cần đất, hoạt động theo cách phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây ra rễ, sinh trưởng, phát triển. Trong môi trường thoáng khí, dinh dưỡng được hòa vào nước, cứ 15 - 30 phút, hệ thống tưới sẽ tự động phun sương giúp cây hấp thụ dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Trong hệ thống khí canh, nhiệt độ ở vùng rễ luôn khô hơn nhiệt độ ngoài môi trường khoảng 2 độ C do hiệu ứng bốc hơi, nhờ vậy cây sinh trưởng nhanh hơn trong đất.
Ngoài ưu điểm nhân giống nhanh, bảo đảm giữ được nguồn gien gốc và cho ra đời thế hệ giống mới hoàn toàn sạch bệnh, khả năng sinh trưởng phát triển nhanh, công nghệ này còn giảm được 90% chi phí về nước, 95% phân bón so với phương pháp canh tác truyền thống. Giống khoai tây siêu bi trồng theo công nghệ khí canh có độ thuần chủng cao, sức sinh trưởng mạnh, không bị lẫn tạp chất và sạch bệnh. Năng suất thu được từ 30 - 40 củ siêu bi trên khóm tùy giống, cao gấp nhiều lần so với trồng bằng phương pháp truyền thống.

Thái Bình: Sản xuất khoai tây giống bằng nuôi cấy mô tế bào kết hợp phương pháp khí canh

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng qua thực tế sản xuất, việc ứng dụng công nghệ này cũng gặp một số hạn chế như như kỹ thuật vận hành, điều khiển hoạt động của hệ thống còn phức tạp, các giai đoạn điều khiển sinh trưởng phát triển của cây đòi hỏi có kỹ năng, kỹ thuật chuyên môn cao , kinh phí đầu tư cho công nghệ lớn. Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2015, Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông Thái Bình đã tiến hành thử nghiệm phương pháp dâm cây tạo bầu từ cây con được ngắt ngọn trên giàn khí canh để nhân giống khoai tây sạch bệnh.
Hiện năng lực sản xuất giống khoai tây ở Trung tâm Khuyến nông Thái Bình có khả năng đáp ứng được 1.500 ha cây vụ đông. Trong thời gian tới, trung tâm từng bước triển khai ứng dụng khoa học công nghệ này để bảo đảm 100% giống khoai tây mới sẽ được đưa ra sản xuất tại Thái Bình.
Sản xuất khoai tây giống bằng nuôi cấy mô tế bào kết hợp phương pháp khí canh đã đem lại nhiều thành công. Điều ghi nhận đầu tiên ở các xã tiếp nhận giống này vào sản xuất cho năng suất tương đương với giống nhập ngoại. Điều đó cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với khi nhập ngoại từ nước ngoài.
So với các tỉnh trong khu vực thì Thái Bình là tỉnh đầu tiên áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra giống khoai sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô và khí canh; công nghệ ngắt ngọn dâm bầu vào sản xuất cây giống, củ giống khoai tây sạch nhờ đó cung ứng một lượng củ giống nhất định, góp phần bổ sung vào nguồn giống chất lượng cao cho diện tích trồng khoai tây trong tỉnh.
Để phát triển sản xuất khoai tây tại địa phương, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Bình nêu ra một số giải pháp như: Quy vùng tập trung, liên kết sản xuất giữa các hộ, các địa phương, các đơn vị hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh cơ giới hóa một cách đồng bộ từ khâu làm đất - trồng - thu hoạch - chế biến; đảm bảo nguồn cung ứng giống chất lượng cao, giá rẻ; hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản khoai tây; phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi; cần có chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện cho ngành sản xuất khoai tây phát triển.

Nguồn: VISTA