Ninh Bình: Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

Những năm trước đây, sản xuất thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh, nuôi thâm canh còn ở quy mô nhỏ nên việc đầu tư vốn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Giai đoạn 2010-2015, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh ước đạt trên 11,47 nghìn ha, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt trên 32 nghìn tấn. Thực hiện chủ trương, chính sách phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã đưa hàng loạt các quy trình công nghệ mới tiên tiến áp dụng vào trong sản xuất đem lại những kết quả cao.

Trong nuôi trồng thủy sản nước mặn, nếu như trước đây, đối tượng nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu được các hộ nuôi quảng canh, bán thâm canh, thì 2 năm trở lại đây, nhiều hộ đã đầu tư lớn nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phụ trợ hiện đại, đồng bộ. Hiện nay, diện tích nuôi tôm thẻ trong nhà bạt đã lên tới 25 ha, năng suất 10-30 tấn/ha/vụ; diện tích nuôi tôm thẻ trên ao nổi là gần 36 ha, năng suất từ 5-17 tấn/ha/vụ.

Nông dân Kim Sơn đưa nghề nuôi Tôm phát triển bền vững.

Còn đối với các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sau khi thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa, diện tích nuôi trồng tiếp tục được mở rộng, đạt trên 9.600 ha, sản lượng nuôi đạt gần 25 nghìn tấn, tăng tới 5% so với  năm 2017. Có được kết quả này là do người dân đã tích cực chuyển đổi từ nuôi quảng canh, sang nuôi thâm canh, bán thâm canh, đồng thời đưa vào phát triển nuôi các đối tượng có giá trị và năng suất cao như cá trắm đen, cá chép lai, chạch sụn… Đây là một trong những mô hình nuôi thủy sản trên ao nổi mang lại giá trị kinh tế cao. Việc sử dụng ao nổi để nuôi thủy sản có những ưu điểm như: dễ quản lý, nuôi được mật độ lớn, do đó cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi truyền thống, đồng thời việc cải tạo ao rất thuận lợi, đảm bảo môi trường ao nuôi luôn giàu oxy, hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Năm 2018 diện tích nuôi ao nổi được mở rộng và phát triển mạnh ở một số địa phương như huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô đã góp phần lớn vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng thủy sản vùng nước ngọt. Các kỹ thuật thâm canh thủy sản tiên tiến như nuôi cá ao nổi, nuôi cá công nghệ biofloc đều đã đem lại năng suất nuôi trồng thủy sản lên tới 10-15 tấn/ha/vụ, thậm chí năm nay có hộ đã nuôi đạt đến năng suất 20 tấn/1 ha/vụ, doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm.

Mô hình nuôi cá Vược thâm canh tại huyện Kim Sơn.

Cùng với việc áp dụng các kỹ thuật thâm canh tiên tiến, thì việc đưa máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất cũng góp phần rất lớn trong việc phát triển chăn nuôi thủy sản. Nhiều thiết bị và công nghệ mới như hệ thống quạt nước, sục khí, máy cho ăn tự động đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều hộ nuôi, nhờ đó công sức lao động của người nông dân đã được giảm bớt, con nuôi thủy sản cũng phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao hơn. Hiện nay số ao nuôi thủy sản có sử dụng máy cho ăn tự động đạt trên 50 ha, các ao nuôi có sử dụng hệ thống quạt nước, sục khí đạt trên 100 ha.

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cộng với những hỗ trợ của tỉnh thông qua Nghị quyết 37 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao đã góp phần làm cho sản xuất thủy sản có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất từ khâu chăn nuôi đến chế biến đã giúp bà con nâng cao được giá trị trên một đơn vị canh tác, tiết kiệm được công lao động đồng thời sản phẩm tạo ra đạt năng suất chất lượng cao, tăng giá trị sản phẩm và an toàn cho người sử dụng.

Không thể phủ nhận hiệu quả mang lại từ việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trên thực tế, nhiều vấn đề đã và đang đặt ra cho ngành thuỷ sản Ninh Bình. Việc gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ. Sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch để phát triển thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, nên ứng dụng công nghệ còn khó khăn, chưa có tính đồng bộ. Bên cạnh đó, các mô hình nằm trong chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, sơ chế, bảo quản đến tiêu dùng còn ít và hạn chế. Việc liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng chưa được bền vững.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung là việc làm thiết yếu cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Chính vì thế cần có sự đổi mới về tư duy của người nông dân: giảm tối đa sức lao động của con người, cơ giới hoá các khâu sản xuất, ứng dụng các cây con giống chất lượng và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời các ngành chức năng cũng cần giúp người dân tiếp cận với các chính sách ưu đãi và nguồn vốn vay trong sản xuất nông nghiệp, tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với các hộ nuôi, ưu tiên nguồn lực cho các mô hình hiệu quả, mô hình sản xuất thủy sản chất lượng cao. Đặc biệt, phát triển các hình thức nuôi tiên tiến, áp dụng VietGAP, nuôi theo công nghệ vi sinh, nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà bạt, nhà lưới, ao nổi. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm để tạo ra những sản phẩm thủy sản chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu./.

Nguồn: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Ninh Bình