Ninh Bình: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống

Năm 2021, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được nhiều cấp, ngành địa phương trên toàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực. Các đề tài, dự án được thực hiện có tính ứng dụng cao, từng bước đổi mới phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống.

 

 

Ngành Nông nghiệp tiếp tục đi đầu trong trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong năm 2021, toàn ngành có 33 sáng kiến đề xuất công nhận, trong đó có 27 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, trong đó có 2 sáng kiến được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. 

Các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được phê duyệt thực hiện đã bám sát định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN đã mang lại hiệu quả rõ nét trong sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. 

Nội dung nghiên cứu tập trung vào chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao; các kỹ thuật mới, các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh; các quy trình sản xuất giống, thương phẩm, bảo quản, chế biến sau thu hoạch để góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao.

Nhiều sản phẩm điển hình, như: hoàn thiện các quy trình sản xuất như nuôi tôm thẻ thâm canh 3 vụ/năm; sản xuất lúa đặc sản nếp hạt cau  theo hướng hữu cơ; xây dựng thương hiệu hàu giống tạo việc làm, thu nhập ổn định bền vững ở vùng kinh tế biển Kim Sơn; bảo tồn, nhân giống gà lai Cúc Phương, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn Táp Ná góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi huyện Nho Quan; bảo tồn, nhân giống Trà hoa vàng Cúc Phương; nhân giống, trồng các giống hoa sen tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch...

Điểm ghi nhận trong hoạt động ứng dụng KH&CN năm qua đó là ngành Nông nghiệp đã huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN, hình thành các vùng sản xuất, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật sản xuất tiên tiến; khuyến khích hợp tác trong phát triển và ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đời sống. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật để phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương. 

Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành, doanh nghiệp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và trình diễn mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất thuộc các lĩnh vực khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... 

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ và phát triển công nghiệp, tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, xây dựng các mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng, cải tiến dây chuyền, thiết bị trong sản xuất công nghiệp; ứng dụng các tiến bộ KH&CN để chế biến bảo quản nông sản; nghiên cứu sản xuất vật liệu xây dựng...

Cụ thể như, ứng dụng công nghệ trong việc canh tác rau, quả thủy canh, nhà lưới; đổi mới công nghệ sản xuất búa, sàng, bi trong dây chuyền nghiền khai thác đá phục vụ nhà máy sản xuất xi măng; sản xuất bao bì túi giấy thay thế túi nilong; sản xuất viên gỗ nén từ phế phẩm gỗ để xuất khẩu...

Đối với lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, các đề tài nghiên cứu đã cung cấp luận chứng, luận cứ khoa học, hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. 

Nhiều nghiên cứu, ứng dụng, kỹ thuật mới trong lĩnh vực y dược nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong khám chữa bệnh, như: Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong điều trị giải phẫu bệnh ung thư biểu mô tuyến vú; dịch vụ làm mẹ an toàn; bơm tinh trùng đã lọc rửa vào buồng tử cung trong điều trị vô sinh; triển khai mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã; xây dựng phần mềm quản lý bệnh án điện tử cho người dân.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2022 các cấp, ngành địa phương tiếp tục nêu cao vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. 

Theo đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Quyết định số 1481, ngày 31/ 12/ 2021 về việc tổ chức, chủ trì và phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong năm 2022. Trong đó lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có 10 nhiệm vụ; Khoa học xã hội Nhân văn và khoa học khác có 8 nhiệm vụ; và Điều tra cơ bản có 2 nhiệm vụ.

Nhìn chung, các nội dung, nhiệm vụ khoa học, công nghệ năm 2022  đều xuất phát từ tình hình thực tiễn của các cấp, các ngành, địa phương và từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình.

Nguồn: Báo Ninh Bình