Các ưu đãi mới cho doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh Nam Định

Mỗi doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) được hình thành và phát triển phụ thuộc rất lớn từ những tác động của hệ thống các chính sách về phát triển KH&CN của Nhà nước.

Thực tiễn cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN, đó là:

- Các doanh nghiệp đang phải giải quyết hai vấn đề dường như mâu thuẫn nhau, đó là: phải tạo ra những sản phẩm luôn mới hơn dựa trên công nghệ hiện đại nhất; Phải giảm giá thành và đưa ra thị trường với thời gian ngắn nhất. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư mạnh mẽ cho KH&CN như: liên kết với viện, trường; khai thác, áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, các sáng chế giải pháp hữu ích...

- Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra các yêu cầu thúc ép doanh nghiệp phải đổi mới để tồn tại và hiện nay nhiều doanh nghiệp đã thay đổi quan điểm kinh doanh theo hướng coi trọng đến tầm nhìn chiến lược dài hạn và giành nguồn lực đầu tư cho KH&CN;

- Đầu tư cho hoạt động KH&CN luôn chứa nhiều rủi ro và phải có nguồn lực lớn, là nguyên nhân hạn chế động lực đầu tư KH&CN của các doanh nghiệp. Nếu một mình doanh nghiệp sẽ không thể tự giải quyết được, cần sự tham gia tác động của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

Dấu mốc đầu tiên về chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN phải kể đến là Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007. Tại tỉnh Nam Định hiện có hơn 4.400 doanh nghiệp nhưng sau 12 năm thực hiện nghị định này, chỉ có 02 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí chế tạo. Tuy được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN nhưng hiện nay 02 doanh nghiệp này chưa tiếp cận được các cơ chế chính sách ưu đãi. Do một số nguyên nhân sau:

- Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chưa chủ động phối hợp trong hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận về các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN của Nhà nước;

- Các doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, hạn chế năng lực về vốn, về nhân lực; thiếu các kỹ năng quản lý để thực hiện các hoạt động KH&CN;

- Nội dung Nghị định 80 khi triển khai đã bộc lộ những hạn chế khi gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chứng minh đáp ứng điều kiện theo quy định. Nhiều nội dung trong đó cũng không còn phù hợp với Luật KH&CN năm 2013 và các luật doanh nghiệp, đất đai, đầu tư đã sửa đổi;

Thiết kế mẫu sản phẩm đúc tại Cty TNHH cơ khí đúc Thắng Lợi.

Tại thời điểm này, vấn đề bất cập về chính sách đối với doanh nghiệp KH&CN đã được tháo gỡ (Nghị định 80 hết hiệu lực được thay thế bằng Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 bắt đầu có hiệu lực từ 20/3/2019). Điểm nổi bật của Nghị định 13 là đơn giản hóa các điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, giảm điều kiện để nhận ưu đãi thuế và giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính... các quy định này đòi hỏi Sở KH&CN địa phương phải nâng cao năng lực thực thi và chịu trách nhiệm cao trong việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Nghị định ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp KH&CN thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh theo quy định. Theo đó:

- Các doanh nghiệp KH&CN có tài sản dùng để thế chấp theo quy định của pháp luật hay doanh nghiệp có dự án KH&CN khả thi được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho vay với lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn tại các ngân hàng thương mại hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại thực hiện cho vay. 

- Doanh nghiệp KH&CN sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Để được ưu đãi trên, tài chính của doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN, đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Điều kiện, thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế. 

- Doanh nghiệp KH&CN được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. 

- Doanh nghiệp KH&CN được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. 

- Doanh nghiệp KH&CN được sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; doanh nghiệp KH&CN được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước.

Về cơ bản, Nghị định 13 không thay đổi quá nhiều so với Nghị định 80 nhưng đã tạo điều kiện để giải quyết tốt hơn việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN. Một số chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng đã được quy định mạch lạc, rõ ràng và dễ đáp ứng cho doanh nghiệp hơn so với Nghị định 80. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vướng mắc đòi hỏi phải được điều chỉnh ở các văn bản quy định cao hơn (như Luật thuế, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước…) mà Bộ KH&CN và các cơ quan quản lý liên quan sẽ tiếp tục phải đề xuất và hoàn thiện trong quá trình sửa đổi hệ thống các văn bản luật.

Nhằm mục tiêu phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN góp phần đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Trong thời gian tới để thực hiện Nghị định 13 có hiệu quả, Sở KH&CN tỉnh Nam Định sẽ thực hiện một số nhiệm vụ sau:

(1) Tổ chức khảo sát, phân loại các tổ chức/cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN; xây dựng cơ sở dữ liệu về việc thành lập, số lượng, tình hình hoạt động và phát triển doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp KH&CN tiềm năng trên địa bàn;

(2) Ưu tiên sử dụng các nguồn lực KH&CN để hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN tham gia thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện công nghệ và ứng dụng công nghệ thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh (giống cây con; chế biến nông lâm thủy hải sản; dược phẩm; cơ khí;...);

(3) Tìm hiểu năng lực và lựa chọn các trường đại học; viện nghiên cứu...trên toàn quốc để cung cấp các thông tin về công nghệ, về kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp KH&CN của địa phương;

(4) Phối hợp với các cơ quan Thuế; Tài nguyên và môi trường; Ngân hàng... để hướng dẫn doanh nghiệp KH&CN hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế; tín dụng; thuê đất...

(5) Đưa sàn giao dịch công nghệ vào hoạt động trao đổi, giới thiệu, chào bán và tìm hiểu mua công nghệ và sản phẩm...

(6) Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu thông tin công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp phục vụ phát triển KT-XH;

(7) Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về việc thành lập, quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp KH&CN; Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về quy trình, thủ tục, điều kiện và các vấn đề liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN./.

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định