Ninh Bình: Hội nghị đánh giá kết quả mô hình nuôi trồng nấm Vân chi và nấm Hoàng chi

Thực hiện Quyết định số 343/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt danh mục và phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cho các đề tài, dự án năm 2018, Trung tâm Ứng dụng Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm (Trung tâm) được giao thực hiện đề tài: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phân lập, nhân giống và nuôi trồng thử nghiệm một số loại nấm dược liệu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Đề tài đã được Trung tâm triển khai theo đúng nội dung, mục tiêu, tiến độ được phê duyệt, ngày 28/3/2019 Trung tâm tổ chức hội thảo đánh giá kết quả mô hình trồng nấm Hoàng chi, nấm Vân chi tại xã Khánh Vân huyện Yên Khánh.

Tham dự hội nghị có 80 đại biểu gồm: Ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở KH&CN Ninh Bình, đại diện phòng Quản lý khoa học - Sở KH&CN, Phòng NN&PTNT huyện Yên Khánh, Gia Viễn, UBND xã Khánh Vân huyện Yên Khánh và các hộ dân thuộc xã Khánh Vân và thị trấn Me.

Các đại biểu và người dân tham dự hội nghị đã được thăm quan mô hình trồng tại nhà ông Trần Văn Tư, ông Phạm Văn Mỹ ở xóm 6 xã Khánh Vân. Từ thực tế nhận thấy nấm Hoàng chi phát triển rất tốt đã cho thu hoạch 2 lứa, chuẩn bị thu hoạch lứa 3. Nấm Vân chi đã thu hoạch xong lứa 3 đang trong quá trình sơ chế và đóng gói.

 

Các đại biểu thăm mô hình trồng nấm tại nhà ông Trần Văn Tư

 

Tại hội nghị Ban chủ nhiệm đề tài đã đánh giá, tổng kết lại quá trình triển khai thực hiện đề tài, đã phân lập thành công 2 giống nấm dược liệu mới, thu được 120 tuyp giống gốc, 390 tuyp giống nấm cấp I và 600 chai giống nấm cấp II sinh trưởng tốt, đạt tiêu chuẩn làm giống và đưa đi nuôi trồng thử nghiệm tại xã Khánh Vân và thị trấn Me với quy mô 20.000 bịch, giống nấm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp dưới 5%, tỷ lệ nấm ra quả thể cao đạt trên 99%, nấm lan sợi nhanh, thời gian từ khi cấy giống đến khi ra quả thể ở nấm Hoàng chi kéo dài 20 ngày, nấm Vân chi là 40 ngày. Thời gian từ khi hình thành quả thể đến khi thu hoạch kéo dài 30-35 ngày. Sau 6 tháng triển khai mô hình, đến nay nấm Vân chi đã thu hoạch xong lứa 3, với sản lượng thu được 260,3 kg, năng suất đạt 22,6 kg/1 tấn nguyên liệu. Nấm Hoàng chi đã thu hoạch được 2 lứa với sản lượng 312,5 kg, dự kiến lứa 3 cho sản lượng 70kg, năng suất cả vụ đạt 33,2kg/1 tấn nguyên liệu. Đây là hai loài nấm dược liệu quý có tác dụng bảo vệ tế bào gan, hạ huyết áp, giảm cholesterol, giảm mỡ máu, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, hỗ trợ điều trị ung thư, ngăn ngừa các phản ứng phụ của xạ trị và hóa trị, … do đó nhu cầu sử dụng rất lớn, thường xuyên trong tình trạng khan hiếm hàng với giá bán nấm Hoàng chi khô hiện nay từ 700.000 - 800.000 đồng/kg, mỗi tấn nguyên liệu người dân thu được 23 - 26 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi tấn nguyên liệu cho lãi từ 8 - 11 triệu đồng. Giá bán nấm Vân chi từ 1-1,5 triệu đồng/kg, mỗi tấn nguyên liệu người dân thu được 22 - 25 triệu đồng, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi từ 7 -10 triệu đồng.

Phát biểu tại hội nghị ông Hoàng Trọng Lễ đã khẳng định nghề trồng nấm được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, nghề trồng nấm tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2018 Trung tâm triển khai thực hiện đề tài đã đưa giống mới, hỗ trợ nguyên vật liệu, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân để trồng thử nghiệm hai loại nấm này đạt kết quả rất tốt. Đây là hai loài nấm dược liệu quý với nhiều tác dụng trong y học có nhu cầu sử dụng rất lớn, quy trình kỹ thuật trồng hai loại nấm này không quá phức tạp, cây nấm sinh tưởng khỏe phù hợp với điều kiện của địa phương và trình độ của người dân. Đề nghị Trung tâm tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi trồng hai loại nấm dược liệu này để phổ biến cho người dân mở rộng sản xuất.

 

Ông Hoàng Trọng Lễ - Phó Giám đốc sở KH&CN Ninh Bình phát biểu tại hội nghị

Đề tài góp phần giúp đơn vị tự chủ được nguồn giống gốc, chủ động trong quá trình sản xuất giống nấm, giúp hạ giá thành giống nấm thương phẩm. Nắm được quy trình phân lập, nhân giống giúp đơn vị lưu trữ nhiều giống nấm quý có năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất góp phần phát triển nghề trồng nấm tại địa phương. Đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới./.