Nam Định: Ứng dụng khoa học công nghệ góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP

Là sản phẩm thế mạnh của huyện Hải Hậu, “Nước mắm truyền thống Tân Phú” của Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Mỗi năm Công ty sản xuất và tiêu thụ gần 200 nghìn lít nước mắm. Giám đốc Công ty Vũ Thị Phượng cho biết: Xác định KHCN là chìa khóa cho sự phát triển của doanh nghiệp, Công ty đã phối hợp với các trung tâm nghiên cứu thực hiện đề tài “Sản xuất thử nghiệm nâng cao chất lượng nước mắm” với mục tiêu ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Được sản xuất từ cá cơm tươi và muối biển tự nhiên, với quá trình ngâm ủ từ 18-24 tháng và áp dụng hệ thống lọc nước theo công nghệ RO (thẩm thấu ngược) thay cho sử dụng ống tre truyền thống trong quá trình rút nước mắm để loại bỏ cặn và vi khuẩn. Bằng phương thức này, Công ty đã tạo ra sản phẩm nước mắm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư nghiên cứu đa dạng kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm mới, mẫu thùng đựng; sản phẩm được đóng chai thủy tinh, có tem nhãn, mã vạch QRcode tạo thiện cảm cho người tiêu dùng. Với những cải tiến đó, sản phẩm “Nước mắm truyền thống Tân Phú” của Công ty được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm của Công ty tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường.

 

 

Sản phẩm “Tỏi đen Khang Linh” của Công ty TNHH Thái Thiện, xã Hải Xuân (Hải Hậu) phấn đấu đạt chuẩn OCOP.

 

Sản phẩm OCOP “Thịt lợn sạch hữu cơ” của trang trại Hiền Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nguyễn Văn Thục, chủ trang trại cho biết: Để chăn nuôi lợn sạch theo phương pháp hữu cơ, vừa bảo đảm chất lượng thịt, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm, anh đã đầu tư máy chế biến thức ăn chăn nuôi để tự sản xuất thức ăn với nguyên liệu chủ yếu gồm ngô, cám gạo, cá khô, đậu tương, bỗng rượu, thảo dược. Loại thức ăn này đã giúp cho đàn lợn tăng khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng và đảm bảo sản phẩm thịt sạch mềm, thơm ngon hơn khi cung cấp đến người tiêu dùng. Đặc biệt, trang trại lợn của anh Thục còn tham gia dự án phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP; được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuyển giao công nghệ xử lý nước thải sau Biogas của Đức có tên là DAIWAL để đảm bảo tiêu chí phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Chăn nuôi lợn với quy mô khép kín theo phương pháp chăn nuôi hữu cơ kết hợp thảo dược, mỗi năm trang trại anh Thục cung cấp 70-80 tấn thịt sạch hữu cơ tại thị trường Hà Nam, Hà Nội và trong tỉnh. Tháng 8-2019, anh Thục đã xây dựng Cửa hàng bán nông sản sạch tại địa phương để trực tiếp cung ứng sản phẩm nông sản sạch VietGAP và OCOP tới tay người tiêu dùng.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 62 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh và trên 80 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2020. Qua khảo sát của đơn vị chuyên môn, hầu hết các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện các giải pháp về KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) thường xuyên tham mưu với tỉnh thực hiện các nhiệm vụ KH và CN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như đề tài “Phục tráng và phát triển giống lúa tám ấp bẹ cổ truyền”; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm truyền thống của địa phương như: Nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu”; nhãn hiệu tập thể “Cơ khí Xuân Tiến”; nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định”… Tranh thủ các nguồn vốn từ các dự án đầu tư công nghệ, Sở KH và CN còn hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh”, Sở KH và CN đã hỗ trợ nhiều đơn vị, doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO, VietGAP và các công cụ quản lý LEAN, Kaizen, 5S vào quản lý sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến bộ KHCN để tư vấn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương. Cùng với đó, Sở KH và CN phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch… góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Có thể khẳng định, ứng dụng KHCN là một trong những giải pháp then chốt giúp sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng nâng cao về chất lượng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Năm 2020, tỉnh phấn đấu có trên 100 sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đẩy nhanh tiến bộ KH và CN vào sản xuất, nhất là những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân và các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc thực hiện tốt liên kết “4 nhà”: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước để tạo cú huých mạnh mẽ, giúp sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, hướng tới cấp quốc gia, đưa các sản phẩm đặc trưng của Nam Định tới tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế./.